Những tấm gương tận tụy với công việc

(QT) - Trong phong trào thi đua chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Lưu trữ Việt Nam 3/1(1946-2016) đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu, đạt những thành tích xuất sắc trong công tác.

        Ông Nguyễn Xuân Oanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh Quảng Trị, phụ trách công tác quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ. Với khối lượng công việc nhiều, đối tượng quản lý đông, phạm vi rộng (365 đơn vị cấp tỉnh; 129 đơn vị cấp huyện; 141 đơn vị cấp xã), trong khi đó nhận thức về văn thư, lưu trữ của một bộ phận lãnh đạo và cán bộ, công chức các cơ quan, tổ chức chưa được quan tâm đúng mức, trăn trở với công việc, ông đã bàn thống nhất trong lãnh đạo chi cục chủ động tham mưu Giám đốc Sở Nội vụ trình UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quan trọng về văn thư, lưu trữ. Đó là Quyết định ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chi cục; Quy chế khai thác tài liệu lưu trữ; các Quyết định ban hành danh mục cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu; Danh mục thành phần hồ sơ, tài liệu nộp lưu cùng với hàng chục văn bản quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ nhằm tạo cơ sở pháp lý để cơ quan, tổ chức trong toàn tỉnh thực hiện thống nhất công tác văn thư, lưu trữ. Chủ trì nghiên cứu xây dựng quy trình khai thác tài liệu lưu trữ; quy hoạch ngành; cải tiến một số mẫu phiếu khai thác; phối hợp với các cơ sở đào tạo mở 27 lớp tập huấn/trên 3.000 học viên; phát hành 3.500 bộ tài liệu cho cán bộ, công chức là lãnh đạo các phòng, văn phòng, cán bộ, công chức các sở, ban, ngành, đơn vị lực lượng vũ trang và UBND cấp xã; phối hợp với Báo Quảng Trị, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền về lĩnh vực văn thư, lưu trữ. Gặp ông lúc nào cũng thấy toát lên sự nhiệt tình, tâm huyết và đầy trách nhiệm với công việc.

        Ông chia sẻ: “Công tác soạn thảo, ban hành và quản lý văn bản là mắt xích quan trọng không thể thiếu trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước; chất lượng nền hành chính nhà nước cao hay thấp một phần phụ thuộc vào chất lương, hiệu lực pháp lý của văn bản do cơ quan, tổ chức ban hành, vì vậy đòi hỏi sự cẩn thận, chính xác và trách nhiệm của tất cả cán bộ, lãnh đạo và chuyên viên chứ không phải chỉ của cán bộ trực tiếp làm công tác văn thư, lưu trữ”. Những nỗ lực cố gắng của ông đã góp phần không nhỏ đưa công tác văn thư lưu trữ đi vào ổn định, nền nếp và hiệu quả. Nhiều năm liền ông đạt danh hiệu CSTĐ cơ sở, CSTĐ cấp tỉnh và được UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ.

Chị Trần Thị Thúy là cán bộ, công chức thuộc Văn phòng UBND huyện Vĩnh Linh, được phân công phụ trách công tác lưu trữ tại Văn phòng UBND huyện. Khối lượng công việc nhiều, áp lực lớn nhưng với lòng say mê nhiệt tình, sự năng động và nghiệp vụ chuyên môn cơ bản, chị đã tham mưu cho UBND huyện Vĩnh Linh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác văn thư, lưu trữ và chỉ đạo các phòng, ban, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn thực hiện có hiệu quả công tác văn thư, lưu trữ. Trước tình trạng tài liệu lưu trữ thuộc Văn phòng UBND huyện quản lý với khối lượng lớn lại chỉ được bó, gói, chất đống, gây khó khăn cho công tác tra tìm và bảo quản tài liệu, chị đã tham mưu Văn phòng UBND huyện phối hợp với Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh Quảng Trị tiến hành chỉnh lý hoàn chỉnh khối tài liệu tồn đọng qua nhiều thời kỳ từ 1970-2010 như tài liệu của UBHC khu vực Vĩnh Linh; UBND huyện Bến Hải; HĐND, UBND huyện Vĩnh Linh; Khối Đảng và tài liệu mật với trên 5.410 hồ sơ tương đương 40 mét giá, đưa vào lưu trữ khoa học, có hệ thống, đảm bảo an toàn và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu văn bản khi cần thiết.
     Chị Thúy cho biết: “Công tác văn thư lưu trữ là lĩnh vực hết sức khó khăn và phức tạp đòi hỏi sự cẩn thận, tính chính xác, nhanh chóng, biết sắp xếp khoa học, ngăn nắp, có hệ thống thì công việc mới đem lại hiệu quả cao”. Từ năm 2011-2015 chị đều đạt CSTĐ cơ sở, được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen.

 
Đại úy Phạm Thị Thủy, công tác tại Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị là người có bản lĩnh kiên định, luôn xác định trách nhiệm và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm năm qua, chị cùng bộ phận văn thư, lưu trữ, bảo mật đơn vị đã tiếp nhận, đăng ký, chuyển giao trên 50.000 văn bản; ban hành trên 12.000 văn bản đi; in sao, nhân bản trên 21.500 lượt tài liệu không để sai sót, mất mát hoặc để lộ lọt những thông tin tài liệu bí mật ra ngoài. Chị chủ động xây dựng kế hoạch, hướng dẫn lập hồ sơ công việc và thời hạn giao nộp hồ sơ, tài liệu đã kết thúc cho cán bộ, nhân viên phụ trách nộp vào lưu trữ cơ quan; thu thập, chỉnh lý hoàn chỉnh và giao nộp vào kho lưu trữ cơ quan Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh là 7.500 hồ sơ, tài liệu các loại. Với tính chất đặc thù của cơ quan, cùng một lúc chị phải đảm nhận hai nhiệm vụ, đó là thực hiện công tác lưu trữ của cơ quan Bộ chỉ huy và lưu trữ của Đảng ủy Quân sự tỉnh. Khối lượng công việc nhiều song chị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; là một trong những cán bộ giỏi nghiệp vụ văn thư, lưu trữ của Quân khu 4, được chọn tham gia hội thao ngành văn thư, lưu trữ toàn quân và đạt giải 3. Liên tục nhiều năm liền chị được tặng danh hiệu CSTĐ, chiến sĩ tiên tiến và nhiều giấy khen.

  
Chị Nguyễn Thị Ngọc Mỹ, công chức Phòng Nội vụ huyện Đakrông có nhiệm vụ giúp Trưởng phòng Nội vụ tham mưu UBND huyện quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các chế độ, quy định về văn thư, lưu trữ của nhà nước và của tỉnh đối với các cơ quan, tổ chức ở huyện và xã, thị trấn theo quy định của pháp luật; thực hiện công tác báo cáo, thống kê về văn thư, lưu trữ theo quy định của pháp luật; chủ động tham mưu UBND huyện ban hành 14 loại văn bản chỉ đạo, văn bản hướng dẫn nghiệp vụ; chuyển tải trên kênh điều hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về văn thư, lưu trữ đến các đơn vị, địa phương nghiên cứu thực hiện; tham mưu Phòng Nội vụ và Văn phòng UBND huyện phối hợp Chi cục Văn thư- Lưu trữ tổ chức 4 lớp tập huấn tại huyện cho gần 300 lượt cán bộ chủ chốt các phòng, ban, HĐND, UBND và cán bộ, công chức, viên chức làm công tác văn thư, lưu trữ của các cơ quan, đơn vị; cử 20 cán bộ tham gia tập huấn tại tỉnh. Với đặc thù là địa bàn miền núi, trình độ cán bộ cấp xã còn hạn chế, chị không ngại khó khăn về với cơ sở, bắt tay, chỉ việc hướng dẫn cụ thể các quy định của pháp luật trong công tác văn thư, lưu trữ. Từ đó đội ngũ cán bộ cấp xã có nhận thức và kỹ năng soạn thảo văn bản khá tốt. Ngoài việc tham mưu quản lý nhà nước, chị còn trực tiếp phụ trách kho lưu trữ tài liệu của huyện. Hiện tại đã thu thập, bảo quản 7 phông tài liệu với 3.978 hồ sơ (70 mét giá), đã chỉnh lý hoàn chỉnh được 2.644 hồ sơ (40 mét giá).
     Như con ong cần mẫn giữa núi rừng, chị Nguyễn Thị Ngọc Mỹ luôn tận tụy với công việc, cùng đồng chí, đồng nghiệp tô đẹp thêm truyền thống vinh quang của ngành Lưu trữ Việt Nam. 

Tác giả bài viết: Bài, ảnh: CTV

Nguồn tin: www.baoquangtri.vn