Phông Ủy ban hành chính khu vực Vĩnh Linh (Giai đoạn 1955-1976)


LỊCH SỬ ĐƠN VỊ HÌNH THÀNH PHÔNG ỦY BAN HÀNH CHÍNH
KHU VỰC VĨNH LINH
(Giai đoạn năm 1955-1976)
 
     Tỉnh Quảng Trị trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước như hình ảnh của cả nước Việt Nam thu nhỏ: Hai miền, hai khu vực với hai chế độ khác nhau. Trong cùng một lúc phải đồng thời tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược Cách mạng: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và Cách mạng XHCH ở miền Bắc.

     Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về Việt Nam được ký kết, lấy sông Bến Hải làm giới tuyến quân sự tạm thời của 2 miền Nam - Bắc. Người dân Vĩnh Linh ở bờ Bắc sông Bến Hải được hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH, khoảng thời gian từ tháng 7/1954 đến tháng 6/1955 Vĩnh Linh trở thành một huyện độc lập. Xét thấy vị trí quan trọng của Vĩnh Linh trong chiến lược thực hiện nhiệm vụ lâu dài của cả nước - mảnh đất đầu cầu giới tuyến, tiền đồn của miền Bắc XHCH, là hậu phương trực tiếp của miền Nam, qua các thời kỳ lịch sử từ 1954 đến 1976 tỉnh Quảng Trị được chia hai đơn vị hành chính là Ủy ban cách mạng tỉnh Quảng Trị và Ủy ban hành chính khu vực Vĩnh Linh (khu vực Vĩnh Linh là đơn vị hành chính độc lập).

     Ngày 16/6/1955 Chính phủ ban hành Nghị định số 551/TTg thành lập Đặc khu Vĩnh Linh là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng, Chính phủ (đơn vị hành chính đặc biệt tương đương cấp tỉnh). Thực hiện Nghị định trên, Ủy ban hành chính (UBHC) khu vực Vĩnh Linh và các Ty, Sở, Văn phòng UBHC khu vực chính thức được thành lập.

     Tài liệu Phông Lưu trữ UBHC khu vực Vĩnh Linh được Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh Quảng Trị chỉnh lý hoàn chỉnh năm 2012 và lập được 1.282 hồ sơ, đơn vị bảo quản. Mặc dù trải qua nhiều đợt sáp nhập, chia tách nhưng Phông Lưu trữ UBHC khu vực Vĩnh Linh vẫn được bảo quản an toàn và tương đối đầy đủ. Tài liệu Phông Lưu trữ UBHC khu vực Vĩnh Linh có giá trị to lớn trên nhiều lĩnh vực, vừa phản ánh công cuộc đấu tranh anh dũng, quật cường, vừa lao động sản xuất của Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang và nhân dân khu vực Vĩnh Linh trong thời kỳ cùng cả nước đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

     Các giai đoạn chủ yếu:

     Giai đoạn 1955-1958: UBHC khu vực Vĩnh Linh ổn định tổ chức, thành lập các ban ngành chuyên môn phục vụ tích cực có hiệu quả cho UBHC khu vực Vĩnh Linh, Lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ mục tiêu lớn của thời kỳ này như: cải cách ruộng đất, chống âm mưu phá hoại của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm, chống cưỡng ép di cư, phục hồi kinh tế sau cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp thắng lợi.

     Giai đoạn 1958-1960: Từ thực tiễn của Vĩnh Linh, ngày 16/12/1958, Hội nghị Ban chấp hành Đảng uỷ khu vực đã khẳng định: Vĩnh Linh tiến hành cải tạo nông nghiệp, thủ công nghiệp và những người buôn bán nhỏ đi theo Chủ nghĩa xã hội với mức độ nhanh hơn, mạnh hơn để đến năm 1960 hoàn thành cải tạo 3 thành phần trên, làm cho thành phần kinh tế quốc doanh phát triển mạnh mẽ, nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, biến Vĩnh Linh - một vùng nghèo khó thành một vùng giàu có, thể hiện sự tốt đẹp của chế độ XHCN ở Miền Bắc, tạo điều kiện cho việc phát triển quan hệ Bắc - Nam, góp phần tích cực vào sự nghiệp thống nhất Tổ quốc".
 
     Giai đoạn 1961-1965: Vĩnh Linh thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất "Khu vực Vĩnh Linh lấy phát triển nông nghiệp một cách toàn diện, mạnh mẽ, vững chắc làm trọng tâm nhằm giải quyết vấn đề lương thực: phải đủ tự túc hoàn toàn, và khoai sắn phải có thừa để bán, đồng thời ra sức phát triển cây công nghiệp…Trên cơ sở đó nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân lao động lên một bước vững chắc".

      Giai đoạn 1965- 1973: Vĩnh Linh cùng miền Bắc XHCN đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Sau thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế, đặc biệt là sau khi thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, quan hệ sản xuất XHCN ở Vĩnh Linh từng bước được củng cố và hoàn thiện. Tình hình KT-XH ngày càng ổn định, sản xuất phát triển mạnh, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao. Vĩnh Linh trở thành hậu phương vững chắc và tin cậy, là nơi trực tiếp chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam giành chiến thắng.
            
      Giai đoạn từ 1973 đến 6/1976:
Tập trung khôi phục và phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, tổ chức đời sống, bảo đảm quốc phòng - an ninh.
      Tiếp tục chỉ đạo tiến công vào khoa học kỹ thuật, cải tiến nông cụ, cải tiến quản lý HTX, thâm canh tăng năng suất, kiến thiết đồng ruộng; bờ vùng bờ thửa, kiên quyết không để một tấc đất bỏ hoang. Với khẩu hiệu: "Cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sỹ"; năm 1966 với phong trào thi đua quyết tâm "Tay cày tay súng, tay búa tay súng, tay bút tay súng. Giặc đến chiến đấu, giặc đi sản xuất". Thanh niên với phong trào "3 sào, 5 việc", phụ nữ với phong trào "3 đảm đang"...
      Từ 1973-6/1976 Giới tuyến quân sự tạm thời đã hoàn toàn bị xoá bỏ. Vĩnh Linh được nối liền với Quảng Trị thân yêu, tuy vậy Vĩnh Linh vẫn tồn tại là một đặc khu, một đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương cho đến 6/1976 (trước khi nhập tỉnh Bình Trị Thiên).
Tài liệu thuộc Phông Lưu trữ UBHC khu vực Vĩnh Linh phản ánh mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của huyện, có ý nghĩa lịch sử, chính trị, khoa học, có giá trị đối với thực tiễn, tương lai. Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, việc tăng cường đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền giới thiệu, công bố rộng rãi tài liệu lưu trữ là hết sức cần thiết.

      Những nội dung, lĩnh vực chủ yếu được phản ánh trong hồ sơ, tài liệu thuộc Phông Lưu trữ UBHC khu vực Vĩnh Linh:

      Khối tổng hợp: Gồm có những tài liệu như Bầu cử Quốc hội khóa 1,4,5, hoạt động của Hội đồng nhân dân Khu vực Vĩnh Linh khóa 1 đến khóa 6, hoạt động của Ủy ban hành chính Khu vực Vĩnh Linh gồm có các Chương trình, nhiệm vụ công tác, Nghị quyết, thông báo, biên bản các cuộc họp, báo cáo 6 tháng, năm; Văn bản về Kế hoạch nhà nước từ 1955-1976; Công tác Cải cách ruộng đất gồm có chính sách đối với địa chủ, phú nông, đền bù tài sản trong cải cách ruộng đất, chỉ đạo công tác sửa chữa sai lầm trong cải cách ruộng đất.

      Khối Nông Lâm Ngư nghiệp: Phản ánh quá trình sản xuất nông nghiệp của bà con ở Khu vực Vĩnh Linh giai đoạn 1955-1976; công tác thủy lợi, chống lụt bão, khí tượng thủy văn; Thực hiện kế hoạch nhà nước đối với Nông trường Bến Hải, nông trường Quyết Thắng; đẩy mạnh sản xuất Lâm nghiệp, Ngư nghiệp.

      Khối Công nghiệp: Các văn bản chỉ đạo, báo cáo thực hiện kế hoạch phát triển sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp; Giao thông vận tải như công tác đảm bảo giao thông, mở đường, tu bổ, khôi phục các tuyến đường, sản xuất, sữa chữa, sử dụng và bảo quản phương tiện giao thông; Công tác Bưu điện; Kiến thiết cơ bản xây dựng các công trình dân dụng như Bệnh viện, trường học, nhà ở, của hàng, nhà văn hóa, các công trình lớn như nhà máy nước, nhà máy điện Vĩnh Linh, hồ chứa nước, cầu đường sắt Thống nhất, cung ứng vật tư kỹ thuật.

      Khối Tài chính thương nghiệp: Quản lý kinh tế tài chính, bảo vệ tài sản thực hành tiết kiệm, kế hoạch, dự toán, quyết toán thu chi ngân sách, công tác thu thuế, chế độ chính sách tiền lương, hoạt động của ngành ngân hàng, thương nghiệp, ngoại thương, lương thực, vật giá và Hội đồng trọng tài.

      Khối nội chính: Là khối có nhiều văn bản quan trọng nhất phản ánh công tác quân sự sẵn sàng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ và tay sai ở Vĩnh Linh, kế hoạch K8, K10, K15, biên giới, giới tuyến khu vực quân sự tạm thời, công tác an ninh trật tự, công tác tòa án, kiểm soát, trấn áp, cải tạo, giáo dục, thanh tra, xét khiếu tổ, khiếu nại, tài liệu về cuộc vận động 3 xây, 3 chống, 228, tổ chức, tuyển sinh, lao động, dân chính, thanh niên xung phong, miền núi.

      Khối văn xã: gồm có các văn bản về công tác phát triển giáo dục, công tác văn hóa thông tin, tuyên truyền, truyền thanh, công tác y tế, thể dục thể thao, thương binh xã hội, thi đua khen thưởng, bảo vệ bà mẹ trẻ em. Chỉ đạo, hướng dẫn về điều tra tội ác chiến tranh của Đế quốc Mỹ, tình hình địch đánh phá và số liệu thiệt hại chiến tranh ở Khu vực Vĩnh Linh và một số tài liệu Mật, Tối mật, Tuyệt mật của Chính phủ, Bộ ngành Trung ương, UBHC, các Phòng, ban Khu vực Vĩnh Linh.

      Lãnh đạo về công tác Giáo dục như: Ngoài ngành học phổ thông, vỡ lòng, mẫu giáo, Lãnh đạo khu vực chủ trương đẩy mạnh công tác bổ túc văn hoá. Yêu cầu bắt buộc là tất cả các cán bộ chủ chốt của các cơ quan, đơn vị, các Hội, Đoàn thể và các HTX phải có trình độ từ lớp 7/10 trở lên. Các công trình phúc lợi như: trường học, bệnh viện, trạm xá được sửa chữa và làm mới.

      Tài liệu Phông UBHCKV Vĩnh Linh phản ánh được những thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân khu vực Vĩnh Linh giành được trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Phản ánh không khí thi đua sôi nổi và kết quả đạt được ở các cấp, các ngành của tỉnh trong việc thực hiện các phong trào khôi phục và phát triển kinh tế như: Phong trào khai hoang phục hoá, với khẩu hiệu "Tấc đất, tấc vàng"; phong trào "Vắt đất ra nước, thay trời làm mưa"...
 

      Chi cục Văn thư - Lưu trữ  tỉnh Quảng Trị hiện đang bảo quản Phông Lưu trữ UBHC khu vực Vĩnh Linh (giai đoạn 1955-1976), và 28 phông tài liệu của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh với 41.929 hồ sơ lưu trữ tương tương 889,3 mét giá tài liệu. Chi cục Văn thư - Lưu trữ luôn sẵn sàng đón nhận và phục vụ các tổ chức, công dân đến khai thác, sử dụng tài liệu, cung cấp đầy đủ những thông tin theo yêu cầu của mọi tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, lịch sử…  ; cung cấp tài liệu quan trọng cho các đơn vị viết Lịch sử ngành như: Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị, Lịch sử huyện đoàn Vĩnh Linh, lịch sử ngành Công an, lịch sử về cuộc chiến tranh đôi bờ Hiền Lương, cầu Treo Đakrông… tạo điều kiện cho các đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, cấp ngành và giúp cho các sinh viên, nghiên cứu sinh hoàn thành các luận văn, luận án tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ ...và nhất là giúp cho cán bộ và nhân dân trong và ngoài tỉnh tra tìm hồ sơ tài liệu làm chế độ chính sách liệt sĩ, thương binh, chất độc da cam, chế độ cho người có công...Quả
ng Trị

Tác giả bài viết: Kho Lưu trữ chuyên dụng