Khen thưởng kháng chiến với công tác lưu trữ hồ sơ, tài liệu tại Lưu trữ Lịch sử tỉnh Quảng Trị

   Quảng Trị - vùng đất giàu truyền thống cách mạng, trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, lịch sử đã ghi lại những dấu ấn vẻ vang, khẳng định lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần cách mạng kiên cường, ý chí chiến đấu anh dũng của Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị.
   “Để biểu dương thành tích to lớn của quân và dân ta, phát huy truyền thống đoàn kết đấu tránh của dân tộc, động viên mọi người ra sức thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời đánh dấu một thắng lợi vẻ vang nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, một sự kiện quan trong của thời đại…” (Trích Nghị quyết số 47 NQ/HĐNN7 ngày 29/9/1981 của Hội đồng Nhà nước ban hành Điều lệ khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến chống Mỹ, cứu nước).
   Thực hiện Nghị quyết trên, chính sách khen thưởng tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho quân, dân và cán bộ trong cả nước cũng như tỉnh Quảng Trị được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Phải nói rằng, Quảng Trị là một trong những tỉnh có số lượng hồ sơ khen thưởng kháng chiến vô cùng lớn, vì vậy công tác lưu trữ luôn được các cấp lãnh đạo quan tâm, chỉ đạo.
   Nhân dịp kỷ niệm ngày tái lập tỉnh Quảng Trị và kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh Liệt sỹ, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Quảng Trị trân trọng giới thiệu bài viết về công tác quản lý và phục vụ khai thác hồ sơ khen thưởng kháng chiến từ năm 1989 đến nay.
   Công tác thu thập, bảo quản và phục vụ khai thác
   Năm 1989, tỉnh Quảng Trị được tái lập lại vào ngày 01/7/1989 (trên cơ sở tách tỉnh Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế); Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị tiếp nhận một số lượng lớn hồ sơ, tài liệu từ tỉnh Thừa Thiên Huế chuyển ra, trong đó phải kể đến khối hồ sơ khen thưởng kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ với số lượng 40.330 hồ sơ (Phông Thi đua Khen thưởng Bình Trị Thiên) được phân loại thành 2 đối tượng là Cán bộ và Nhân dân. Từ tháng 8/1989 đến năm 2015, Lưu trữ Lịch sử tỉnh tiếp nhận từ Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh Quảng Trị số lượng 56.585 hồ sơ (Phông Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh Quảng Trị).
   Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, công tác quản lý hồ sơ, tài liệu lưu trữ nói chung, và quản lý hồ sơ khen thưởng nói riêng được công chức, viên chức tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh thực hiện rất nền nếp, chuyên nghiệp; công tác bảo quản hồ sơ, tài liệu lưu trữ an toàn; công tác tổ chức khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ phục vụ yêu cầu của cơ quan, tổ chức và các cá nhân kịp thời, chính xác.

Hồ sơ bị ố vàng, mờ khó đọc
   Từ khi tiếp nhận khối hồ sơ, tài liệu thi đua khen thưởng từ tỉnh Bình Trị Thiên tách ra, khối hồ sơ này có thời gian từ năm 1975, là những tài liệu giấy cũ chữ viết phai mờ theo thời gian, có một số không còn đọc được; nhiều hồ sơ đã bị mối xông, mục nát mất gần hết chữ, không còn nhận ra hồ sơ của cá nhân nào; khi được công chức làm công tác Thi đua -  Khen thưởng của Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị bàn giao cho Trung tâm Lưu trữ tỉnh (nay là Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh), đã được công chức, viên chức lưu trữ chỉnh lý sơ bộ, đưa vào cặp hộp bảo quản tương đối tốt. Đến 2015, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh tiếp nhận thêm 02 lần giao nộp của Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh, tổng cộng đến nay gần 10 ngàn hồ sơ của Cán bộ và Nhân dân trong tỉnh.
   Đây là khối hồ sơ, tài liệu vô cùng giá trị, thời hạn bảo quản vĩnh viễn, nên được Lưu trữ lịch sử tỉnh chỉnh lý cẩn thận, toàn bộ tài liệu đã được nhập vào phần mềm máy tính để phục vụ khai thác nhanh chóng.

Một số hồ sơ, tài liệu bị mối xông, mục nát,...
   Thực trạng khối hồ sơ, tài liệu này vẫn còn thất lạc rất nhiều, đó là khi đến nghiên cứu, khai thác sử dụng hồ sơ, tài liệu của mình (kèm theo bằng Huân, Huy chương, Bằng khen… cá nhân) để đối chiếu và tìm lại thì trong cơ sở dữ liệu và thực tế không có hồ sơ, nguyên nhân là khi bàn giao vẫn còn nằm rải rác trong khối tài liệu Thi đua - Khen thưởng tỉnh Thừa Thiên Huế (TT-Huế); một số rải rác trong khối tài liệu chuyển ra Lưu trữ lịch sử tỉnh Quảng Bình. Và chúng tôi, bằng cách này cách khác, có khi gọi điện trực tiếp vào Lưu trữ TT-Huế tra cứu, nếu có thì giới thiệu họ vào trực tiếp Lưu trữ TT-Huế để lấy, hoặc gặp trường hợp khai thác già, yếu hoặc không có điều kiện đi được, chúng tôi đích thân nhờ cán bộ tỉnh TT-Huế sao chụp, chứng thực gửi ra….
   Điều làm chúng tôi băn khoan, buồn nhất là sau mấy ngày vất vả tìm kiếm không có phải làm văn bản trả lời cho Cán bộ và Nhân dân là không có hồ sơ bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh.
   Khi chính sách, chế độ được Đảng và Nhà nước quan tâm đối với người tham gia kháng chiến, thì đồng thời, hồ sơ về thành tích kháng chiến vô cùng quan trọng đối với mỗi Cán bộ và Nhân dân đã có một thời hy sinh xương máu cho tổ quốc, có rất nhiều liệt sỹ, giờ hồ sơ có khi không có mà chỉ là Danh sách Liệt sỹ được tặng Huân, Huy chương, Bằng Khen, Kỷ niệm chương,… Trong số hồ sơ/bản khai cũng rất nhiều người đã mất; có nhiều hồ sơ khai rất ngắn gọn, trong thời gian chỉ đủ để được cấp Huân, Huy chương… Vì vậy có nhiều trường hợp đi tìm hồ sơ làm chế độ tù đày thì không kê khai bị tù đày, hoặc có khai nhưng không ghi rõ bị tù đày ở đâu, ngày tháng năm nào…
   Chúng tôi, những người làm công tác lưu trữ, bảo quản và phục vụ khai thác, cũng đã cố gắng hết sức để hướng dẫn Cán bộ và Nhân dân đi tìm lại hồ sơ của mình, cũng mong mỏi để những Cán bộ và Nhân dân sẽ được hưởng chế độ chính sách đúng quy định; bởi lẻ, những người ấy đã có công, đã góp công sức mình vào công cuộc chống Pháp, chống Mỹ, giải phóng quê hương đất nước, làm nên Việt Nam hoà bình và phát triển.
   Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh đã bố trí một phòng có diện tích lớn để bảo quản khối hồ sơ, tài liệu Thi đua - Khen thưởng kháng chiến, trong đó tài liệu đã chỉnh lý hoàn chỉnh, được nhập vào phần mềm quản lý hồ sơ lưu trữ. Theo số liệu thống kê tại Lưu trữ lịch sử năm 2016, lưu trữ viên phục vụ khai thác 921 lượt người/1.492 hồ sơ, tài liệu; năm 2018 khai thác trên 800 hồ sơ, tài liệu.

Hồ sơ, tài liệu được sắp xếp khoa học và bảo quản an toàn tại Lưu trữ lịch sử tỉnh
   Phần đông Cán bộ và Nhân dân tra tìm hồ sơ, tài liệu chủ yếu để phục vụ cho việc làm chế độ chính sách hưởng Huân, Huy chương, Bằng khen, chế độ tù đày, chế độ gia đình có công, người có công với Cách mạng, và nhất là làm chế độ chất độc da cam...
   Có ngày cán bộ tra tìm trên 40 hồ sơ để phục vụ cho người khai thác. Việc khai thác chủ yếu trên máy tính, trên phần mềm quản lý hồ sơ, tài liệu lưu trữ nên việc tra tìm thuận tiện, nhanh chóng và chính xác. Hồ sơ được trả trong ngày làm việc, nếu hồ sơ sai sót như lệch họ tên, năm sinh, quê quán hoặc thất lạc thì có thể hẹn ngày hôm sau, chậm nhất là 2 ngày làm việc sẽ có trả lời.
   Thực hiện Thông tư số 275/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng tài liệu lưu trữ, tại điều 4 quy định đối tượng không thu phí: “Không thu phí sử dụng tài liệu lưu trữ đối với:  Thân nhân (cha, mẹ đẻ; cha, mẹ nuôi; vợ, chồng; con đẻ, con nuôi) liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng; người thờ cúng liệt sỹ (không phải thân nhân liệt sỹ) sử dụng tài liệu lưu trữ phục vụ cho việc giải quyết chế độ chính sách của chính mình; Người hưởng chế độ hưu trí, mất sức lao động, tai nạn lao động hoặc người bị mắc bệnh nghề nghiệp hàng tháng sử dụng tài liệu lưu trữ phục vụ cho việc giải quyết chế độ chính sách của chính mình theo quy định của Nhà nước„ vì vậy việc Cán bộ và Nhân dân đến khai thác hồ sơ này đều không thu phí.
   Bên cạnh những khó khăn đối với người làm công tác lưu trữ hồ sơ, thì còn nhiều khó khăn cho Cán bộ và Nhân dân, người khai thác, đó là hồ sơ khai chưa đầy đủ, khai lệch với giấy tờ gốc, thất lạc hồ sơ... thì việc khai thác tài liệu để làm chế độ chính sách một số cá nhân có thể chưa thực hiện được! Vì vậy, vẫn cần sự quan tâm của các cấp, các ngành như Thi đua khen thưởng, ngành lao động, thương binh - xã hội... trong việc thực hiện chế độ chính sách cho Cán bộ và Nhân dân đã tham gia kháng chiến có thành tích thật sự nhưng vì lý do nào đó thất lạc hồ sơ hoặc chưa làm hồ sơ để hưởng chính sách.
   Một số giải pháp, kiến nghị
   Để việc quản lý và phục vụ khai thác có hiệu quả tài liệu lưu trữ, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh cần có nhiều giải pháp để tăng cường và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ cho hiện tại và trong tương lai:
   Thứ nhất, Trung tâm lưu trữ lịch sử tỉnh cần nghiên cứu và áp dụng nhiều hình thức khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ khác nhau để giúp độc giả có thể dễ dàng và thuận lợi trong việc tiếp cận và khai thác các tài liệu lưu trữ như dịch vụ công trực tuyến, qua mạng internet.... Hiện nay, Trung tâm đang áp dụng một số hình thức truyền thống phổ biến như: Tổ chức cho độc giả khai thác tài liệu tại phòng đọc, cho độc giả mượn tài liệu, thông báo, giới thiệu tài liệu lưu trữ, cấp bản chứng thực tài liệu lưu trữ, triển lãm tài liệu lưu trữ, công bố tài liệu lưu trữ.
   Thứ hai, đổi mới và nâng cao hơn nữa nhận thức chung của toàn xã hội về ý nghĩa của tài liệu lưu trữ, vai trò của công tác lưu trữ nói chung và số lượng, nội dung, thành phần, giá trị của tài liệu lưu trữ được bảo quản tại Trung tâm lưu trữ lịch sử nói riêng. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này Lưu trữ lịch sử cần phải chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kịp thời các văn bản chỉ đạo của Đảng, của Nhà nước về công tác lưu trữ, đồng thời phải chú ý đến vai trò cung cấp thông tin của tài liệu lưu trữ đối với việc hoạch định các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước cũng như vai trò, ý nghĩa của tài liệu lưu trữ trong tất cả các mặt, các lĩnh vực của đời sống xã hội.
   Thứ ba, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tích cực triển khai xây dựng các ấn phẩm văn hóa có giá trị từ các tài liệu lưu trữ. Đây là một hình thức tổ chức khai thác sử dụng tài liệu có tính chất tuyên truyền rộng rãi. Làm tốt công tác này sẽ nâng cao sự hiểu biết xã hội của các Lưu trữ, tăng cường sự hiểu biết của công chúng đối với tài liệu lưu trữ. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về số lượng, thành phần, nội dung, giá trị của của những tài liệu lưu trữ được bảo quản trong Lưu trữ của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng như các Đài truyền hình, Đài phát thanh, các báo, tạp chí… để con đường mà tài liệu lưu trữ đến với người dân là ngắn nhất có thể.
   
Thứ tư, Cần đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu của khoa học công nghệ nhất là ngành công nghệ thông tin, công nghệ hóa học, sinh học… vào công tác lưu trữ như: Bảo quản tài liệu lưu trữ, tu bổ, phục chế tài liệu lưu trữ, số hóa tài liệu lưu trữ, xây dựng cơ sở dữ liệu lưu trữ, xây dựng các công cụ tìm kiếm tài liệu lưu trữ, tổ chức khai thác tài liệu lưu trữ. Trong thời đại công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác văn thư, lưu trữ nói chung và việc lưu trữ hồ sơ, tài liệu nói riêng rất cần có sự đổi mới, sáng tạo của các cơ quan làm công tác lưu trữ các cấp, để giúp cho các đối tượng xã hội dễ dàng tiếp cận với tài liệu lưu trữ một cách nhanh nhất, hiệu quả, tiết kiệm kinh phí, thời gian... Nhất là đối với những đối tượng là người có công với cách mạng mà Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, thực hiện chế độ chính sách kịp thời.
   Qua bài viết này, chúng tôi hy vọng Lưu trữ lịch sử cũng là một địa chỉ đỏ cùng với Bảo tàng, Thư viện để học sinh, sinh viên các cấp, các ngành đến nghiên cứu, trao đổi học tập về chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là để nghiên cứu, trao đổi về lịch sử, về truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc. Thông qua nguồn tài liệu phong phú có giá trị trên rất nhiều phương diện, điều kiện kỹ thuật tiên tiến, môi trường khai thác, sử dụng tài liệu thuận lợi, cán bộ lưu trữ có chuyên môn, nghiệp vụ và tinh thần trách nhiệm cao… Làm được điều này chính là thể hiện tăng cường chức năng giáo dục xã hội của tài liệu lưu trữ./.
Một số hình ảnh về hồ sơ khen thưởng tại Lưu trữ lịch sử tỉnh Quảng Trị

Tác giả bài viết: Phan Thị Quyên - Nguyễn Thị Mỵ

Nguồn tin: luutru.quangtri.gov.vn