Tôn vinh giá trị lịch sử hồ sơ của cán bộ đi B

Cán bộ, nhân dân đến khai thác hồ sơ khen thưởng kháng chiến để làm chế độ chính sách
(QT) - Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết năm 1954, kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc Việt Nam chống thực dân Pháp. Hòa bình chưa được bao lâu, đế quốc Mỹ nhảy vào xâm lược miền Nam Việt Nam âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Theo tiếng gọi thiêng liêng của miền Nam ruột thịt và do yêu cầu của cách mạng, từ năm 1959-1975 hàng vạn cán bộ chiến sĩ miền Bắc xã hội chủ nghĩa được bí mật bố trí trở về miền Nam công tác và chiến đấu, trong đó có những cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc trước năm 1954. Khi các đoàn cán bộ, chiến sĩ này vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu, tất cả những tư trang, hành lý, tài sản cá nhân và kỷ vật đều gửi lại Ủy ban Thống nhất Chính phủ gọi là “Hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B” và họ chỉ mang theo đồ dùng sinh hoạt cá nhân do Ủy ban Thống nhất Chính phủ cấp phát. 
Năm tháng đi qua, nhiều cán bộ đi B đã hy sinh hoặc đã từ trần nhưng những hồ sơ, kỷ vật của họ vẫn còn lưu giữ. Đây là nguồn sử liệu quý giá, minh chứng về một giai đoạn lịch sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc, gắn liền với số phận hàng vạn con người không tiếc máu xương hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đem lại hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc.

Vừa qua Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã trao trả cho Lưu trữ lịch sử tỉnh Quảng Trị 3.049 hồ sơ, kỷ vật (giấy) của cán bộ đi B, trong đó gồm hồ sơ của cán bộ thuộc 6 huyện là Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa. Những kỷ vật trên là một phần cuộc đời thân nhân và là những kỷ vật vô giá đối với nhiều gia đình đang chờ đợi từng ngày, từng giờ mong được nhận lại hồ sơ thân nhân của mình.

Để nâng cao ý nghĩa giáo dục và phát huy truyền thống cách mạng trong nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ, Sở Nội vụ, Chi cục Văn thư - Lưu trữ sẽ tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức buổi lễ trao trả hồ sơ của cán bộ đi B trong thời gian tới. Đây là một việc làm thể hiện sự tôn vinh, tri ân, ghi công đối với các cán bộ và thân nhân cán bộ đi B, đồng thời cũng là dịp để cung cấp những thông tin cần thiết cho cán bộ đi B và thân nhân, gia đình cán bộ đi B biết để tiện liên hệ với Chi cục Văn thư- Lưu trữ nhận lại hồ sơ, kỷ vật, tạo điều kiện cho những người có công với cách mạng giải quyết các chế độ chính sách theo quy định của nhà nước.

Tác giả bài viết: NGUYỄN THỊ MỴ - Phó trưởng Kho Lưu trữ

Nguồn tin: www.baoquangtri.vn