01:42 ICT Thứ năm, 10/10/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 40

Hôm nayHôm nay : 1125

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 236547

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22863520

Trang nhất » TIN TỨC TỔNG HỢP » Tin tức sự kiện » Tin tức hoạt động

Chuyển đổi số

Tăng cường giải quyết tài liệu tồn đọng tại các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

Thứ hai - 28/12/2015 10:08
(QT) - Xác định công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn thư, lưu trữ nói chung và quản lý tài liệu lưu trữ là một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong đời sống xã hội; là một mắt xích không thể thiếu trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, chính trị xã hội, tổ chức kinh tế, lực lượng vũ trang nhân dân, những năm qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quản lý nhà nước đối với hoạt động văn thư, lưu trữ; đồng thời bố trí một phần ngân sách để chỉnh lý tài liệu tồn đọng ở một số cơ quan, tổ chức, do đó công tác văn thư, lưu trữ trên địa bàn tỉnh nói chung và công tác giải quyết tài liệu tồn đọng đã có những chuyển biến tích cực. Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh đã thu thập và chỉnh lý hoàn chỉnh, đưa vào bảo quản tại kho lưu trữ lịch sử tỉnh gần 1.000 mét giá tài liệu. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang và UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng đầu tư kinh phí từng bước giải quyết tài liệu tồn đọng, mua sắm trang thiết bị bảo quản an toàn tài liệu nhằm kịp thời cung cấp thông tin phục vụ đắc lực cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, góp phần nâng cao chất lượng nền hành chính Nhà nước và nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.

Tài liệu lưu trữ là nguồn sử liệu quan trọng quý giá, phản ánh được toàn cảnh bức tranh về văn minh quản lý nhà nước, là thước đo trình độ quản lý trong mỗi cơ quan, tổ chức ở các cấp, các ngành và mỗi quốc gia, góp phần quan trọng ghi lại và truyền bá cho thế hệ mai sau những truyền thống văn hóa quản lý, kinh nghiệm quản lý, từ đó phát huy, kế thừa những giá trị tốt đẹp nhằm nâng cao trình độ quản lý, rút ngắn thời gian, tiết kiệm tiền của, thúc đẩy nhanh sự phát triển của quê hương, đất nước.

Tuy nhiên, khối lượng tài liệu tồn đọng chưa được chỉnh lý từ khi chia tỉnh đến nay còn quá lớn. Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 635 cơ quan, tổ chức phải thực hiện nhiệm vụ văn thư, lưu trữ. Khảo sát của Sở Nội vụ về tài liệu tồn đọng tại 112/365 đơn vị cấp tỉnh thì có trên 7.250 mét giá tài liệu chưa được chỉnh lý, hầu hết số tài liệu đó đang trong tình trạng bó gói, tích đống chưa được bảo quản tốt; nhiều hồ sơ, tài liệu bị thất lạc, khô giòn hoặc ẩm mốc, mối mọt. Nguyên nhân của sự tồn đọng nêu trên là do nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, tổ chức còn hạn chế; việc đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho hoạt động lưu trữ cũng như việc ứng dụng công nghệ tin học vào công tác lưu trữ còn khó khăn, thiếu đồng bộ; hồ sơ, tài liệu nộp và olưu trữ lịch sử còn chậm.

Để đảm bảo thực hiện nghiêm túc Luật Lưu trữ và các quy định của pháp luật Nhà nước về hoạt động lưu trữ; khắc phục tình trạng tài liệu tồn đọng chưa được chỉnh lý trong các cơ quan, tổ chức, từng bước nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ và quản lý tốt tài liệu lưu trữ trên địa bàn tỉnh, thiết nghĩ thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, người đứng đầu các đơn vị trực thuộc cần phải làm tốt những vấn đề sau:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Lưu trữ; Nghị định số 01/2013/NĐ-CP chi tiết thi hành một số điều của Luật Lưu trữ; Thông tư số 07/2012/TT-BNV ngày 22/11/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn quản lý văn bản, lập hồ sơ và nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ cơ quan; Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 23/6/2015 của UBND tỉnh về tăng cường giải quyết tài liệu tồn đọng nhằm nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đối với việc tham gia quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ và quản lý tài liệu lưu trữ. Nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi chiếm đoạt, làm hỏng, làm mất, làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung tài liệu, mua bán, chuyển giao, tiêu hủy và sử dụng tài liệu lưu trữ vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân và mang tài liệu lưu trữ ra nước ngoài trái phép.

Tiến hành việc rà soát, thống kê số lượng hồ sơ, tài liệu đang lưu trữ của cơ quan, tổ chức, xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí chỉnh lý; chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản thực hiện công tác văn thư, lưu trữ cho phù hợp với quy định mới của pháp luật; thực hiện tốt việc sắp xếp, bố trí diện tích thỏa đáng để làm kho bảo quản hồ sơ, tài liệu lưu trữ, bảo vệ, bảo quản an toàn tài liệu của tỉnh theo đúng quy định của Luật Lưu trữ; bảo đảm tất cả hồ sơ, tài liệu phát sinh trong quá trình giải quyết công việc và văn bản ngay sau khi tiếp nhận hoặc phát hành đều được lập hồ sơ, số hóa thành dữ liệu điện tử hàng năm nộp lưu vào lưu trữ cơ quan theo quy định của pháp luật.

Trong điều kiện ngân sách của tỉnh hết sức khó khăn, nếu phải chỉnh lý hoàn chỉnh 1 mét giá tài liệu theo quy định của pháp luật thì ngân sách bỏ ra 3,5 - 4 triệu đồng, nếu chỉnh lý hoàn chỉnh 7.250 mét giá tài liệu tồn đọng nêu trên thì ngân sách tỉnh phải bỏ ra trên 25 tỷ đồng là một con số quá lớn. Vì vậy, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức cần tập trung chỉ đạo cán bộ, công chức của đơn vị phải tiến hành chỉnh lý hoàn chỉnh số hồ sơ, tài liệu trong quá trình giải quyết công việc được giao, tức là công tác lập hồ sơ và nộp lưu hồ sơ, tài liệu vao lưu trữ cơ quan hàng năm. Xác định công tác văn thư, lưu trữ là nhiệm vụ của tất cả cán bộ, công chức, viên chức, không phải chỉ riêng cán bộ văn thư, lưu trữ; quá trình thực hiện nhiệm vụ chỉnh lý hồ sơ, tài liệu phải thực hiện chặt chẽ các quy trình nghiệp vụ về lưu trữ; nâng cao chất lượng công tác tham mưu, quản lý hồ sơ, tài liệu, bảo vệ bí mật nhà nước .

Theo quy định của pháp luật lưu trữ, Sở Nội vụ là cơ quan thường trực giúp UBND tỉnh theo dõi, quản lý, chỉ đạo thực hiện thống nhất nghiệp vụ văn thư, lưu trữ. Do vậy giám đốc các sở, ban ngành, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức cần phối hợp chặt chẽ với Sở Nội vụ xem xét đề xuất các biện pháp nhằm giải quyết dứt điểm tài liệu tồn đọng và nộp lưu tài liệu vào lưu trữ lịch sử tỉnh. Các cơ quan trung ương, các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và lực lượng vũ trang thuộc nguồn nộp lưu vào lưu trữ lịch sử tỉnh có sự phối hợp chặt chẽ với Sở Nội vụ tổ chức tốt việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về lưu trữ, trong quá trình hoạt động và bố trí một phần kinh phí trong kế hoạch ngân sách hàng năm của đơn vị để đầu tư cho công tác văn thư, lưu trữ ở đơn vị mình.

Tài liệu lưu trữ là nguồn sử liệu quan trọng quý giá, phản ánh được toàn cảnh bức tranh về văn minh quản lý nhà nước, là thước đo trình độ quản lý trong mỗi cơ quan, tổ chức ở các cấp, các ngành và mỗi quốc gia, góp phần quan trọng ghi lại và truyền bá cho thế hệ mai sau những truyền thống văn hóa quản lý, kinh nghiệm quản lý, từ đó phát huy, kế thừa những giá trị tốt đẹp nhằm nâng cao trình độ quản lý, rút ngắn thời gian, tiết kiệm tiền của, thúc đẩy nhanh sự phát triển của quê hương, đất nước. Vì vậy tăng cường giải quyết tài liệu tồn đọng là tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ; tổ chức khai thác sử dụng có hiệu quả tài liệu lưu trữ sẽ tạo ra một nền công vụ có hiệu quả, nền hành chính hiện đại, phục vụ cung cấp kịp thời thông tin cho các hoạt động quản lý thực hiện tốt các mục tiêu quản lý: năng suất, chất lượng, hiệu quả và đây cũng là những mục tiêu, yêu cầu của cải cách nền hành chính nhà nước ở nước ta hiện nay .

Tác giả bài viết: XUÂN NGUYÊN

Nguồn tin: www.baoquangtri.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn